5 giờ sáng thứ Bảy, khi phần lớn người dân còn say giấc, thì tại Trạm Y tế xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong (Đắk Nông), không khí đã bắt đầu rộn ràng. 5 cán bộ y tế trong những chiếc áo blouse trắng chuẩn bị hành lý, dụng cụ y tế, đồ dùng cá nhân, và đặc biệt là các liều vắc xin, sẵn sàng cho chuyến hành trình đi tiêm chủng mở rộng.
( Vượt qua hàng chục km, các cán bộ y tế xã đi tiêm chủng khi trời còn chưa sáng)
Con đường từ trung tâm xã Đắk R’măng đến cụm dân cư 8, nơi tập trung 41 hộ dân, 242 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Mông, kéo dài gần 20km. Không chỉ xa, tuyến đường còn đầy rẫy ổ voi, ổ gà, sình lầy mùa mưa và bụi mịt mù mùa khô. Hành trình kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, qua những đoạn đường gập ghềnh, trơn trượt khiến ai cũng thấm mệt.
Anh Ngân Văn Toàn, cán bộ y tế xã, chia sẻ: “Dụng cụ y tế và hành lý nặng nề, đường sá thì khó đi, nhưng nếu không xuống tận nơi thì bà con không được tiêm, chúng tôi phải cố gắng hết sức.”
Tới nơi, các cán bộ y tế bắt tay ngay vào công việc. Anh chị em chia nhau từng ngôi nhà, từng hộ dân để tiết kiệm thời gian. “Chúng tôi phải tranh thủ từng phút, vì chỉ có vậy mới kịp hoàn thành kế hoạch trong ngày,” anh Toàn nói.
( Anh Ngân Văn Toàn đang tiêm cho người dân cụm 8)
Chị Hà Thị Nhung, người đã gắn bó với Trạm Y tế xã Đắk R’măng suốt 14 năm, chia sẻ những khó khăn không thể đong đếm bằng lời. Địa bàn rộng, dân cư sống thưa thớt, đường xá trắc trở, ý thức của người dân về tiêm chủng còn thấp khiến công việc vốn dĩ khó khăn càng thêm thử thách.
“Ngày trước, mỗi lần đi tiêm là chồng tôi phải chở vì đường khó đi, phụ nữ không tự lái xe được. Nhiều khi con còn nhỏ, tôi phải đèo cả con theo. Mùa mưa là cực nhất, té ngã thường xuyên, nhưng vì sức khỏe của bà con, mình không nề hà”
Dù khó khăn, chị Nhung vẫn bám làng, bám bản với một tinh thần không mỏi mệt. Chị coi việc mang vắc xin đến từng nhà dân không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm và tình thương.
Theo anh Phạm Anh Trà, Trưởng Trạm Y tế xã, công tác tiêm chủng mở rộng tại xã Đắk R’măng đối mặt với vô vàn thách thức. Nhiều cụm dân cư như cụm 8, cụm 12, cụm 10 nằm cách trung tâm xã 20-30km, người dân không tự ý thức được việc mang con đi tiêm chủng, mà cán bộ y tế phải đến từng nhà để vận động, tuyên truyền. Đồng bào Mông nơi đây thường có tâm lý sợ con đau, sợ vắc xin gây bệnh nên né tránh. Nhiều lần, chúng tôi phải kiên trì giải thích, thậm chí quay lại lần hai, lần ba mới thuyết phục được họ cho con tiêm,Chưa kể, tập quán của người dân nghỉ vào cuối tuần khiến công việc của đội ngũ y tế càng thêm vất vả. “Chúng tôi phải đi cả thứ Bảy, Chủ nhật, thậm chí tiêm vào ban đêm, khi người dân có mặt ở nhà. Vận chuyển và bảo quản vắc xin trong dây chuyền lạnh trên những cung đường khó khăn này thực sự là thách thức lớn.
(Anh Phạm Anh Trà, Trưởng Trạm Y tế xã cùng cán bộ y tế xã đang cân, đo, tiêm cho người dân)
8 giờ tối, khi trời đã tối mịt, các cán bộ y tế vẫn chưa dừng bước. Họ tiếp tục băng qua những con đường gồ ghề để đến nhà chị Giàng Thị Gió, một hộ dân cuối cùng trong cụm 8. Trong căn nhà tối tăm vì không có điện, chị Gió ôm con ngồi chờ. Chúng tôi ở xa trạm y tế, đường đi khó khăn nên không thể tự lên trạm. Nhưng cán bộ y tế rất nhiệt tình, tháng nào cũng xuống tận nhà tiêm chủng cho con tôi và các cháu trong bản. Chúng tôi biết ơn họ lắm,”
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong, cho biết: “Nhờ tinh thần vượt khó của đội ngũ cán bộ y tế xã, phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên, hội phụ nữ tổ chức tuyên truyền, năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng của xã đạt 95%, thuộc nhóm cao nhất huyện.” Nhiều chương trình tiêm chủng như phòng viêm gan B, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản B đã đạt được kết quả ấn tượng, tạo lá chắn vững chắc bảo vệ sức khỏe người dân.
Những người cán bộ y tế xã Đắk R’măng là minh chứng sống động cho tinh thần hy sinh, cống hiến thầm lặng vì sức khỏe cộng đồng. Họ không chỉ mang đến vắc xin, mà còn mang đến niềm tin và hy vọng cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Hành trình của họ, dù gian nan, nhưng thấm đẫm tình yêu nghề và trách nhiệm với cộng đồng. Đối với họ, mỗi nụ cười, mỗi lời cảm ơn từ người dân chính là phần thưởng lớn lao nhất. Hành trình ấy sẽ còn tiếp tục, bởi sức khỏe và tương lai của người dân nơi đây luôn là mục tiêu cao cả của những “người hùng áo trắng” nơi vùng đất Đắk R’măng xa xôi.
Thanh Thanh
Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Đắk Glong