Đắk Glong: Tổ chức Hội nghị phổ biến các luật mới ban hành

Đắk Glong: Tổ chức Hội nghị phổ biến các luật mới ban hành

Vừa qua, Phòng Tư pháp huyện Đắk Glong  phối hợp với Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị phổ biến các Luật mới ban hành và các chính sách dân tộc liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các xã trên địa bàn huyện. Hội nghị đã thu hút hơn 450 đại biểu tham dự là lãnh đạo tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã; thôn, bon; già làng, trưởng thôn, người có uy tín, các chức sắc, chức việc tôn giáo và Nhân dân trên địa bàn huyện.

Hội nghị tuyên truyền phổ biến các Luật mới ban hành tại xã Quảng Khê

Tại Hội nghị các báo cáo viên đã thông tin tới đại biểu những nội dung cơ bản của Bộ luật dân sự; Bộ luật Hình sự; Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Các chính sách dân tộc liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Riêng đối với Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Đây là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật. Luật Đất đai đã thể chế hóa cơ bản các nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW, thể hiện qua các quy định về đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Luật cũng kế thừa phân loại đất theo Luật Đất đai 2013, bổ sung đất chăn nuôi tập trung vào nhóm đất nông nghiệp, bổ sung đất công trình cấp nước, thoát nước, đất công trình phòng, chống thiên tai, đất công nghệ thông tin, cơ sở lưu trữ tro cốt, đất chợ đầu mối trong nhóm đất phi nông nghiệp. Luật kế thừa, hoàn thiện các quy định về các nguyên tắc sử dụng đất, bổ sung nguyên tắc bảo vệ đất, thích ứng với biến đổi khí hậu; quy định trách nhiệm của người được Nhà nước giao đất quản lý; bổ sung các quy định khuyến khích việc sử dụng đất đai có hiệu quả, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn, phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất. Bổ sung nghiêm cấm đối với hành vi vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai…Luật Đất đai sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Riêng 2 Điều là Điều 190 về hoạt động lấn biển và Điều 248 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp đã có hiệu lực sớm từ ngày 1/4/2024. Bên cạnh đó, việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng, cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030. Khoản 9 Điều 60 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày Nghị quyết 61/2022/QH15 hết hiệu lực.

           T/h:  Nguyễn Hồng – Phòng Tư pháp huyện Đắk Glong

1/5 - (1 bình chọn)