Cục An toàn thông tin cảnh báo các chiêu trò lừa đảo dịp cận Tết

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo những chiêu trò lừa đảo qua mạng đang ngày càng tinh vi, người dân cần chú ý đề phòng trong dịp Tết cận kề.

Những chiêu thức lừa đảo trực tuyến xuất hiện tuần qua (24.12 - 31.12.2023) -0

1. Cảnh báo lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ dịp Tết Nguyên đán

Dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, cũng là thời điểm tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay về quê, đi du lịch… của người dân để chiếm đoạt tài sản. Dù đây không phải một chiêu trò mới nhưng thủ đoạn thao túng tâm lý của các đối tượng ngày một tinh vi khiến nhiều nạn nhân vẫn bị sập bẫy.

Một nạn nhân của chiêu trò, chị Thanh Tâm (TP Đà Nẵng) cho biết, gần đây, chị có đặt mua vé máy bay qua một Fanpage trên mạng xã hội Facebook có tên “Sunny Travel – Vé Máy Bay Giá Rẻ”, nhưng đã bị chặn liên hệ ngay sau khi chuyển tiền thành công; đồng thời toàn bộ tin nhắn giao dịch giữa cả hai cũng đã bị đối tượng lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ thu hồi.

Hình thức của các đối tượng lừa đảo chiêu trò trên chủ yếu là tạo lập các trang Fanpage giả mạo trên mạng xã hội, đăng bài quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý của người dùng bằng những hình ảnh và ưu đãi hấp dẫn. Khi có khách hàng tìm đến, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ làm theo yêu cầu đăng bài trên Facebook với nội dung bán vé máy bay giá rẻ. Để tạo lòng tin, các đối tượng đồng phạm khác còn giả làm khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công. Ngay sau khi người bị hại chuyển tiền, ngay lập tức các đối tượng sẽ chặn Facebook, xóa toàn bộ dấu vết, các tài khoản đã sử dụng liên hệ và cắt liên lạc. Bên cạnh hình thức giả mạo tài khoản mạng xã hội, nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo trước khi thực hiện giao dịch trên mạng xã hội đặc biệt là với các quảng cáo giá siêu rẻ và ưu đãi lớn. Khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng. Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, khách hàng cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.

Những chiêu thức lừa đảo trực tuyến xuất hiện tuần qua (24.12 - 31.12.2023) -0

2. Cảnh báo chiêu trò bán giấy in giá rẻ cho các cửa hàng photocopy, lừa đảo chiếm đoạt 5 tỷ đồng

Ngày 26.12, Công an tỉnh Bắc Ninh đã tạm giữ đối tượng Nguyễn Hoài Trương (SN 1984, trú tại, Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Bằng thủ đoạn gọi điện, kết bạn Zalo với các chủ cửa hàng tạp hoá, photocopy để bán giấy in giá rẻ kém chất lượng, lừa đảo 5 tỷ đồng của hàng nghìn bị hại trên cả nước.

Theo đó, Công an tỉnh Bắc Giang và Công an thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của đối tượng Nguyễn Hoài Trương tại Quảng Ninh, lực lượng công an đã thu giữ 18 điện thoại di động các loại, 9 sim số điện thoại và nhiều đồ vật tài liệu khác có liên quan.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận đã sử dụng nhiều số điện thoại “rác”, tạo lập tổng 19 tài khoản ngân hàng khác nhau để phục vụ hành vi gọi điện, kết bạn mạng xã hội Zalo với các chủ cửa hàng tạp hóa và photocopy để giới thiệu giấy in giá rẻ. Khi nạn nhân đặt hàng, đối tượng sẽ tiến hành đặt mua giấy in từ một cửa hàng khác giá rẻ hơn nhiều lần để giao tới cửa hàng của nạn nhân. Tiếp đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào những tài khoản đối tượng cung cấp.

Nhằm ngăn chặn hành vi lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên cảnh giác khi giao dịch mua – bán hàng hoá trên không gian mạng. Cần kiểm tra thông tin kỹ thông tin về người bán hàng; tìm đến những địa chỉ uy tín và đáng tin cậy. Đồng thời, đảm bảo rằng người bán cung cấp đủ thông tin về sản phẩm, hình ảnh, nguồn gốc xuất xứ để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Tìm hiểu về chính sách hoàn tiền, chắc chắn rằng giá tiền phù hợp với chất lượng sản phẩm.

Những chiêu thức lừa đảo trực tuyến xuất hiện tuần qua (24.12 - 31.12.2023) -0

3. Hà Tĩnh: Cảnh báo đối tượng kinh doanh bán quần áo qua mạng, lừa đảo chiếm đoạt gần nửa tỷ đồng

Ngày 26.12, Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã tạm giữ hình sự đối tượng Đỗ Thị Thuận (34 tuổi, trú thị xã Sơn Tây, Hà Nội) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo cơ quan chức năng, từ tháng 12.2022, đối tượng đã lập nhiều tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội Facebook và Zalo, với các tên “Bé Thỏ”, “Bé Thỏ Bé Thỏ”, “Shop Quần Áo Bé Thỏ”, “Bé Thỏ Chuyên Sỉ Lẻ Quần Áo”. Đối tượng đã sử dụng những tài khoản trên để đăng tải nhiều hình ảnh bán hàng với nội dung thanh lý quần áo số lượng lớn trên các hội nhóm và các trang mạng xã hội. Khi có khách hàng bình luận và liên hệ hỏi mua, đối tượng sẽ gửi hình ảnh, video và gọi điện tư vấn và báo giá thấp hơn so với giá thị trường. Sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân, đối tượng chốt đơn và yêu cầu nạn nhân chuyển khoản đặt tiền cọc; đồng thời đưa ra 2 hình thức gửi hàng: một là gửi xe khách, khách hàng phải chuyển trả tiền trước 100%; hai là gửi COD (chuyển phát nhanh thu hộ), khách hàng phải trả tiền trước 30%. Để tăng độ uy tín, đối tượng còn đóng hàng, chụp ảnh và gửi hàng cho nhà xe hoặc đơn vị chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, trên thực tế, bên trong gói hàng chỉ có các sản phẩm quần áo cũ rách nát, không còn giá trị sử dụng. Trong trường hợp nạn nhân gửi theo hình thức COD, đối tượng sẽ gửi thêm một số hình ảnh để nạn nhân tin tưởng và chuyển số tiền còn lại. Sau khi nhận tiền, đối tượng chặn toàn bộ tài khoản Facebook, Zalo, cắt đứt liên lạc để chiếm đoạt tiền.

Trước hiện trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần phải cẩn trọng hơn khi giao dịch mua bán hàng hóa không chỉ trên các trang mạng xã hội mà cả những sàn thương mại điện tử. Người dân cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng. Đảm bảo rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác; đồng thời nhận định từ các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

Những chiêu thức lừa đảo trực tuyến xuất hiện tuần qua (24.12 - 31.12.2023) -0

4. Cảnh giác với nhiều chiêu trò lừa đảo việc làm thêm trên mạng xã hội dịp cận tết 2024

 Thời gian cận Tết, trên các nhóm tìm việc online, những thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm liên tục được đăng tải rầm rộ: tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương… với mức lương từ 100.000 – 300.000 đồng/ngày; cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng lên đến 20%; cắt mác quần áo nhận tiền công liền tay; cộng tác viên vận đơn. Đối tượng tuyển dụng được nhắm đến chủ yếu là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình – thấp đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm.

Gần đây, vì nhu cầu muốn kiếm tiền và cần tiền nhanh, một nạn nhân của chiêu trò, anh N.V.Đ (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã sập bẫy của những đối tượng sử dụng chiêu trò “bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng 10-20%”. Ngay sau khi nhìn thấy quảng cáo về một công ty chuyên cung cấp dịch vụ đặt vé máy bay và phòng khách sạn trực tuyến, nạn nhân đã “nhẹ dạ cả tin” chuyển cho đối tượng lừa đảo số tiền hơn 32 triệu đồng trong vòng chưa đầy một ngày. Theo đó, đối tượng dùng nhiều số điện thoại, tài khoản mạng xã hội đánh vào ham muốn nhanh kiếm được tiền của nạn nhân. Trong quá trình lừa đảo, các đối tượng liên tục dồn ép nạn nhân khiến anh bị ảnh hưởng tâm lý, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ rằng sẽ không lấy lại được số tiền buộc anh phải tiếp tục chuyển tiền. Khi số tiền nạp lên đến hàng chục triệu đồng, đối tượng lừa đảo đã nêu lý do rất khó tin như: tài khoản bị đóng băng; hệ thống lỗi… để trì hoãn việc rút tiền. Từ đó chiếm đoạt hoàn toàn tài sản của nạn nhân.

Theo Cục An toàn thông tin, mặc dù hình thức lừa đảo “làm cộng tác viên” không mới, chúng liên tục thay đổi về hình thức khiến nhiều người vẫn đồng ý tham gia. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên chủ quan khi gặp các trường hợp và hành vi không minh bạch trên mạng xã hội. Tuyệt đối không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng. Đặc biệt lưu ý, không được cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào.

Những chiêu thức lừa đảo trực tuyến xuất hiện tuần qua (24.12 - 31.12.2023) -0

5. Cảnh báo chiêu trò tinh vi: tạo lập tài khoản mạng xã hội chuyên “giải cứu” người bị hại từ Campuchia

Ngày 23.12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đã phát hiện triệt phá một đường dây lừa đảo, bắt giữ, mua bán người từ Campuchia về Bình Dương. Trước đó, người thân của người bị hại đã đến Cơ quan công an tỉnh Bình Dương trình báo về việc bị nhóm đối tượng đe dọa phải đưa tiền để chuộc người thân từ Campuchia về.

Đối tượng đã tạo lập một trang mạng xã hội có tên “TQ” với nội dung chuyên nhận “giải cứu” nạn nhân bị bán sang Campuchia về Việt Nam. Dưới vỏ bọc hình thức trên, đối tượng chủ mưu đã câu kết với đối tượng người Campuchia và người Việt Nam sống bên Campuchia để thực hiện hành vi giăng bẫy người nhà nạn nhân và chiếm đoạt tài sản. Sau khi nhận được tiền của người nhà nạn nhân, thay vì đưa nạn nhân về nhà theo đúng thỏa thuận, thì đối tượng chủ mưu lại đưa nạn nhân về nhà của đồng bọn tại nơi giáp ranh biên giới giữa Campuchia và Việt Nam và tiếp tục yêu cầu người thân nạn nhân chuyển tiền thì mới cho về Việt Nam. Trên thực tế, nhóm đối tượng này và Công ty lừa đảo qua mạng do người nước ngoài làm chủ là chung một nhóm với nhau để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia.

Bản thân bị hại tự nguyện đi sang Campuchia để làm việc trong các công ty chuyên thực hiện công việc lừa đảo qua mạng Internet. Các quản lý công ty lừa đảo đưa cho bị hại thông tin bao gồm số điện thoại, tài khoản Zalo, Facebook, số dư tài khoản trong ngân hàng của các cá nhân (người Việt Nam và người nước ngoài) để yêu cầu lừa tiền. Sau đó yêu cầu lừa đảo bằng cách kết bạn, làm quen hoặc lừa sử dụng các ứng dụng đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đầu tư vàng siêu lợi nhuận… nhằm chiếm đoạt tài sản. Ban đầu bị hại làm việc được trả lương đầy đủ, nhưng trong quá trình làm việc nếu không đạt chỉ tiêu mà các quản lý công ty giao trong ngày sẽ bị đem ra đánh đập tàn nhẫn. Do bị đánh đập thường xuyên nên bị hại đã liên hệ tài khoản Tiktok tên “TQ” để yêu cầu được giải cứu.

Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài, cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ tại Việt Nam. Tuyệt đối không tin tưởng vào các thông tin mời chào, hứa hẹn về việc làm “việc nhẹ lương cao” tràn lan trên các website và mạng xã hội Facebook, Zalo không chính thống. Bên cạnh đó, bản thân người lao động phải chủ động tìm hiểu các thông tin vì liên quan đến quyền và lợi ích của bản thân.

Người lao động có thể tra cứu thông tin về doanh nghiệp đã được cấp giấy phép tại trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước www.dolab.gov.vn.

Những chiêu thức lừa đảo trực tuyến xuất hiện tuần qua (24.12 - 31.12.2023) -0

6. Cảnh giác với dịch vụ “lấy lại tiền đang bị treo trên mạng” để tránh bị lừa đảo lần 2

Theo Bộ Công an, một trong số nhiều nạn nhân của chiêu trò này trong thời gian gần đây là chị N.T.M, bởi sự cả tin đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo. Theo đó, chị M. bị một nhóm đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, thông báo tiền của chị “đang bị treo trên mạng”, chưa thể lấy ra được ngay, đồng thời yêu cầu chị đóng thêm các khoản phí để lấy lại số tiền. Sau đó dù đã nộp đơn tố cáo lên cơ quan chức năng, nhưng với mong muốn nhanh chóng lấy lại tiền, chị M. lại nhờ đến những đối tượng trên mạng mạo danh luật sư để giúp mình lấy lại tiền ngay.

Các đối tượng mạo danh luật sư làm tại các Văn phòng Luật sư có thật và uy tín, đưa ra cho nạn nhân những lời đảm bảo có thể lấy lại được số tiền vừa mất. Để tạo lòng tin, các đối tượng còn đưa ra các thông tin dịch vụ thông báo “số tiền đang bị treo trên mạng”, có khả năng liên kết với các ngân hàng, cơ quan bảo vệ pháp luật để cung cấp dịch vụ “lấy lại tiền”.  Đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển phí dịch vụ thì mới thực hiện, tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng lại liên tiếp đưa ra các lý do khác nhau để yêu cầu nạn nhân tiếp tục thêm chuyển tiền. Nếu nạn nhân không chuyển, các đối tượng sẽ cắt đứt liên lạc và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trên.

Có thể thấy, đây là một chiêu trò lừa đảo có hệ thống, hoàn toàn không hoạt động trong phạm vi tại Việt Nam; nên việc truy vết và triệt phá các đường dây lừa đảo của cơ quan gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, các tài khoản nhận tiền 100% là tài khoản ảo, chính chủ nhưng không phải người sử dụng (bán tài khoản) hoặc chúng làm tài khoản của những người bị mất giấy tờ cá nhân.

Trước thực trạng lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin đưa ra khuyến cáo cho người dân, đặc biệt là những người dân đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, cần phải thường xuyên cập nhật và nắm bắt thông tin về vấn đề an toàn không gian mạng; luôn cảnh giác với những lời mời chào trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như CCCD, CMND, số tài khoản ngân hàng, mã OTP, … để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích phi pháp. Không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên mạng xã hội nếu chưa xác minh được chính xác người nhận tiền là ai.

Nếu đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước.

Đánh giá bài viết này