Ngân hàng CSXH được thành lập là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong Chương trình giảm nghèo bền vững, tạo việc làm từng bước ổn định xã hội, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Hoạt động của Ngân hàng CSXH huyện trong những năm qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, từng bước giải quyết việc làm đã có những đóng góp nhất định trong thực thi công tác giảm nghèo của địa phương nói riêng và của xã hội nói chung.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và của toàn xã hội cùng nhau tập trung hướng tới người nghèo và vì người nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó Ngân hàng CSXH huyện là một kênh dẫn vốn quan trọng giúp cho hàng ngàn hộ nghèo của huyện được tiếp cận với dịch vụ Ngân hàng, được vay vốn ưu đãi không những về lãi suất mà còn ưu đãi về thủ tục, thuận tiện trong giao dịch tại các Điểm giao dịch xã. Đây là một cách làm được cấp ủy, chính quyền địa phương nhiệt tình ủng hộ, người nghèo và các đối tượng chính sách khác đồng tình đón nhận. Đến 30/4/2024 tổng dư nợ Ngân hàng CSXH huyện Đắk Glong đạt 680 tỷ đồng, gồm 7 điểm giao dịch xã và 195 Tổ TK&VV tại 61 thôn, bon với 9.709 hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn.
Hội đoàn thể, Ban giảm nghèo, Ban tự quản, Tổ TK&VV tham gia lớp đào tạo tập huấn.
Trong quá trình thực hiện ủy thác hàng năm có một số thay đổi về quy trình nghiệp vụ, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Hội, Ban quản lý Tổ TK&VV chưa đồng đều giữa các thôn/bon. Công tác lưu trữ các mẫu biểu, kiểm tra giám sát, chất lượng hồ sơ cho vay còn sơ sài.
Để hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương tiếp tục ổn định, đi vào chiều sâu, hiệu quả, kịp thời chỉ đạo, lãnh đạo về công tác cho vay và quản lý nguồn vốn chính sách tại địa phương có hiệu quả, tránh thất thoát vốn và làm sai các quy định cho vay và quản lý vốn vay của Nhà nước, do đó nhất thiết phải tập huấn, trao đổi về nghiệp vụ cho vay thuộc thẩm quyền chỉ đạo, quản lý Hội đoàn thể nhận ủy thác, Ban giảm nghèo, trưởng các thôn/bon, Ban quản lý Tổ TK&VV nhằm tăng cường sự chỉ đạo lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Ban bí thư tại chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014.
Tổ TK&VV tham gia làm bài thực hành, đánh giá tại buổi tập huấn.
Trong quá trình tập huấn các đơn vị UT, Ban tự quản thôn/bon, Tổ TK&VV tham dự luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp thu trọn vẹn các nội dung chuyên đề được trình bày, thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong hoạt động thực tiễn của mình để cùng với Lãnh đạo Phòng giao dịch, Cán bộ phụ trách địa bàn làm sáng tỏ những vấn đề cùng quan tâm, tích luỹ nhiều kinh nghiệm và học tập được nhiều bổ ích trong lớp đào tạo tập huấn.
Trong quý I năm 2024 và đầu quý II năm 2024 Ngân hàng CSXH huyện đã hoàn thành 5/7 lớp Đào tạo, tập huấn cán bộ kiêm nhiệm, phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội qua đó đã khắc phục cơ bản những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động Ủy thác, hoạt động tại Tổ TK&VV, nâng cao vai trò quản lý, giám sát các nguồn vốn được phân giao, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Bài và ảnh: NHCSXH huyện Đắk Glong.