Giới thiệu về huyện Đắk Glong
1. Thông tin chung
Huyện Đắk Glong nằm về phía Đông Nam của tỉnh Đắk Nông, cách thị xã Gia Nghĩa 30km theo hướng quốc lộ 28. Phía Đông Bắc giáp với huyện Lắk thuộc tỉnh Đắk Lắk; phía Đông giáp huyện Đam Rông thuộc tỉnh Lâm Đồng; phía Đông Nam giáp huyện Lâm Hà; phía Nam giáp huyện Di Linh và Bảo Lâm (Lâm Đồng); phía Tây Nam giáp huyện Đắk R’lấp và Thành phố Gia Nghĩa; phía Tây giáp huyện Đắk Song và phía Bắc giáp huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông.
Huyện Đắk Glong có diện tích tự nhiên là 1.448,75km2, dân số năm 2023 là 81.126 người, mật độ dân số trung bình 56 người/km2.
Đắk Glong có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, mưa nhiều nhất vào tháng 8, 9, chiếm từ 85-87% lượng mưa cả năm. Lượng mưa trung bình năm khoảng 2.200-2.400 mm, lượng mưa cao nhất 3.000mm. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm khoảng từ 21-220C, nhiệt độ cao nhất 330C, tháng nóng nhất là tháng 4, nhiệt độ thấp nhất 140C, tháng lạnh nhất vào tháng 12. Độ ẩm không khí trung bình 84%. Độ bốc hơi mùa khô 14,6-15,7mm/ngày, mùa mưa 1,5-1,7 mm/ngày.
Địa hình: Do kiến tạo địa chất và lượng mưa lớn, cùng với hệ thống sông, suối nhiều đã làm cho địa hình Đắk G’Long bị chia cắt mạnh, đồi núi nhiều, độ cao trung bình trên 800 m.
Thổ nhưỡng: Nhóm đất đỏ vàng chiếm tỷ lệ gần như bao trùm tổng diện tích của huyện Đắk Glong, nhóm đất này gồm có 5 loại đất chính, trong đó đất nâu đỏ trên bazan (Fk) chiếm 40%, tập trung chủ yếu tại xã Quảng Sơn – Đăk Ha; đất vàng trên phiến sét (Fs) chiếm 48,6%, tập trung tại xã Đăk R’Măng, Đăk Som, Đăk Plao và xã Quảng Khê; và các loại đất khác chiếm diện tích không lớn là đất nâu vàng trên đá bazan (Fu), chiếm 4%; đất mùn đỏ vàng trên đá phiếm sét (Hs), chiếm 7,6 %; đất thung lũng dốc tụ (D) chiếm 0,2 %. Nhóm đất đỏ vàng có độ phì khá, hàm lượng chất hữu cơ cao, đất xốp, tỷ lệ sét lý cao và tăng dần theo chiều sâu.
Hệ thống sông, suối: Đắk G’Long có hệ thống sông, suối thượng nguồn sông Đồng Nai với lưu lượng nước lớn, dòng chảy mạnh. Bên cạnh đó, huyện còn có hệ thống suối lớn nhỏ trải đều khắp trên địa bàn như suối Đắk R’Măng, Đắk G’Long…
Hệ thống giao thông của huyện còn khó khăn, có gần 300km đường bộ, chủ yếu là đường đất và đường cấp phối. Huyện có hai tuyến giao thông quan trọng chạy qua địa bàn huyện là Quốc lộ 28 và Tỉnh lộ 4 với độ dài chạy qua huyện 60,6km, đã được láng nhựa.
2. Tiềm năng phát triển và thu hút đầu tư:
Tiềm năng phát triển công nghiệp:
Huyện Đắk Glong có nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm, dồi dào, có giá trị công nghiệp cao như: bôxit, vonfram, vàng, thiếc, cao lanh…Cụ thể, quặng bauxite với trữ lượng nguyên khai là 2,4 tỉ tấn, phân bố chủ yếu ở xã Quảng Sơn và Đắk Ha; thiếc và wonfram tập trung tại xã Quảng Sơn, Đắk R’Măng, diện tích phân bố khoảng 6 km2; sét gạch ngói tập trung ở xã Quảng Sơn (15 ha), Đắk Ha (70 ha); kaolin tập trung tại các xã Đắk Ha, Quảng Khê, Quảng Sơn.
Đắk G’long là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp điện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 02 nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 với công suất 180MW và thủy điện Đồng Nai 4, công suất 340MW đã hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Ngoài ra, huyện còn nhiều công trình thủy điện khác như điện Đắk N’Teng trên sông SêrêPôk; Thủy điện Đăk Klong trên sông Đồng Nai thuộc xã Quảng Khê.
Đắk G’Long hiện đã đầu tư xây dựng Cụm Công nghiệp Đắk Ha nằm trên địa bàn xã Đắk Ha, có tổng diện tích 37,4 ha, hiện Cụm Công nghiệp này đã được hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng và đang tập trung mời gọi đầu tư thuộc các ngành công nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu của địa phương, gồm: ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản; ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; ngành công nghiệp dệt may, da giầy…
Tiềm năng phát triển nông nghiệp:
Huyện Đắk G’Long có 14.616ha đất nông nghiệp. Trong đó: diện tích đất trồng cây lâu năm là 13.542ha, chiếm trên 93% tổng diện tích đất nông nghiệp, còn lại là đất trồng cây hàng năm. Đắk G’long là địa phương có diện tích rừng lớn. Hiện nay, diện tích đất lâm nghiệp có rừng của huyện là là hơn 85.000ha, trong đó: rừng sản xuất 60.415ha, rừng phòng hộ 8.379ha, rừng đặc dụng 16.244ha.
Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình…. của huyện Đắk G’long phù hợp cho phát triển nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao nhưng chưa tạo ra vùng sản xuất tập trung và chuyên canh. Năm 2014, diện tích thu hoạch hồ tiêu trên địa bàn huyện là 185ha, sản lượng 530 tấn; cao su 423ha, sản lượng 1.184 tấn; cà phê 7.237ha, sản lượng 15.538 tấn; diện tích một số cây ăn quả chủ yếu như sầu riêng, chôm chôm, cam, xoài, nhãn, vải, măng cụt… là 464ha, sản lượng hàng năm đạt gần 3.000 tấn. Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn huyện Đắk G’long có những mô hình cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã được xây dựng thương hiệu và cấp chứng nhận VietGap như Sầu riêng, Măng cụt; địa phương cũng đang tiến hành xây dựng mô hình sản xuất ttheo tiêu chuẩn VietGap cho cây ổi.
Các hồ thủy điện trên địa bàn huyện với dung tích hồ chứa lớn ngoài nhiệm vụ phục vụ cho ngành công nghiệp điện còn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Đảm bảo nhu cầu nước tới phục vụ sản xuất.
Ngoài lợi thế về trồng trọt, huyện Đắk G’long còn có thế mạnh để phát triển chăn nuôi động vật hoang dã và nuôi trồng thủy sản nước lạnh, nhất là cá Tầm bởi diện tích mặt nước lớn được tạo ra bởi các công trình thủy lợi (trên 5.000ha), cùng những khu đồi bát úp, khí hậu mát mẻ quanh năm (21-22 oC), biên độ nhiệt ít thay đổi.
Tiềm năng phát triển Thương mại – Dịch vụ:
Đắk Glong có tuyến Quốc lộ 28 đi qua tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ với vùng Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Lâm Đồng. Đi qua địa bàn TP. Gia Nghĩa, 3 huyện: Đăk Glong, Krông Nô và Cư Jút; có vai trò kết nối trung tâm tỉnh với các huyện lỵ, đồng thời kết nối các Quốc lộ (QL28 và QL14)
Huyện còn có đường tỉnh lộ: Tỉnh lộ ĐT686 dài 60,4km, đã được láng nhựa 54,6km, còn lại là đường cấp phối, hiện đang tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Tuyến đường này nối huyện Đắk Glong với các huyện Đắk Song và Tuy Đức, thúc đẩy phát triển ngành thương mại với các huyện nội tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống thương mại và dịch vụ của huyện chưa phát triển, Đắk Glong có tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tương đối thấp. Trên địa bàn huyện hiện có trên 1.300 cơ sở kinh tế cá thể phi nông lâm nghiệp và thủy sản, trong đó có gần 200 cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thương mại, du lịch và khách sạn nhà hàng.
Hệ thống chợ nơi đây cũng chưa hoàn chỉnh, chỉ có chợ Trung tâm tại xã Quảng Sơn và Chợ xã Quảng Khê, còn lại là các chợ tạm. Hệ thống chợ chưa đồng bộ, đã ảnh hướng đến hoạt động giao thương của người dân. Đây là hạn chế của địa phương nhưng lại là lợi thể để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh thương mại – dịch vụ của huyện.
Tiềm năng phát triển Du lịch:
Huyện Đắk G’long có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng… bởi sở hữu những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn và tài nguyên du lịch nhân văn quý giá.
Huyện có Khu Bảo tồn Thiên thiên Tà Đùng rộng trên 22.100ha, có đỉnh Tà Đùng cao gần 2.000m, là núi cao đứng vị trí thứ ba của Tây Nguyên và trên 40 ốc đảo trong lòng hồ rộng trên 5000ha mặt nước. Đây là nơi có sự đa dạng sinh học với nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Bên trong khu rừng là dòng suối Đắk N’teng chảy qua tạo thành hai ngọn thác Ngầm-thác Gấu hấp dẫn và kỳ vĩ.
Lễ hội cồng chiêng của các dân tộc M’Nông và Mạ
Các buôn làng đồng bào dân tộc ít người với những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo như lễ hội cồng chiêng, uống rượu cần, lễ hội đâm trâu, những bản sử thi truyền đời của đồng bào dân tộc M’Nông… là những tiềm năng cho phát triển du lịch văn hóa, nhân văn.
Cùng với lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn, Quốc lộ 28 chạy qua địa bàn huyện là tuyến đường huyết mạch nối Đắk G”long với trung tâm du lịch lớn của cả nước – thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, liền kề với thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành các cụm, tour du lịch liên vùng: TP. Hồ Chí Minh – Đắk Nông – Lâm Đồng (Đà Lạt) – Bình Thuận, tạo nên hành trình du lịch hấp dẫn đối với du khách.