Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đắk Glong chú trọng cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng hạt lép, cam sành, bơ Booth, vú sữa Hoàng kim…góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, nhờ đó nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu.
Vườn sầu riêng đang cho thu hoạch của gia đình ông K Ndă.
Thông qua hội đoàn thể nhận ủy thác tại xã Quảng Khê và Tổ Tiết kiệm và vay vốn bon Ka La Dơng, tháng 4 năm 2023 gia đình ông K’ Ndă được vay số tiền 50 triệu đồng từ nguồn vốn Hỗ rợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của NHCSXH huyện Đắk Glong. Cùng với nguồn vốn tự có của gia đình ông đã đầu tư hệ thống tưới tự động, mua phân bón, thuốc sâu các loại để chăm sóc 150 cây sầu riêng đang cho thu hoạch của gia đình.
Để tạo ra được những trái sầu riêng đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài việc sử dụng nước tưới phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, ông K’ Ndă còn tự học hỏi và nắm vững các quy trình chăm sóc khác như tỉa cành, tỉa bông, xử lý các loại nấm bệnh, vệ sinh cây, vệ sinh gốc… Bên cạnh đó, việc giữ ẩm cho cây sầu riêng cũng rất quan trọng. Đối với vườn cây của ông K’ Ndă để trái sầu riêng có chất lượng tốt nhất thì ông dùng máy để cắt cỏ chứ không sử dụng thuốc hóa học và đầu tư công nghệ tưới tiêu tự động, nhỏ giọt để giảm thiểu công lao động. Ngoài ra ông còn nuôi thêm gia cầm vừa để tăng thêm nguồn thu và tận dụng phân chuồng có sẵn để ủ bón cho cây.
Đến nay, vườn cây của ông gồm 150 cây sầu riêng đang cho thu hoạch, với giá thị trường hiện nay 1 vụ sầu riêng gia đình ông thu được từ 500-600 triệu đồng.
Ông K’ Ndă tâm sự “khó khăn nhất hiện nay của người nông dân là thiếu vốn sản xuất. Do vậy, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp ông và nhiều hộ gia đình khác mở rộng đối tượng đầu tư, có thêm nguồn vốn để chăm sóc cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao và lãi suất vay ưu đãi, thời gian hoàn trả vốn phù hợp”.
Tuy nhiên, mức cho vay tối đa và thời gian cho vay ở một số chương trình tín dụng hiện nay vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của người nông dân, nhất là nguồn vốn dùng để đầu tư vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn đối với chương trình tín dụng Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hiện nay ở khu vực nông thôn vẫn còn rất lớn nhưng nguồn vốn từ chương trình này được phân bổ cho NHCSXH huyện Đắk Glong vẫn còn rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu về vốn của người lao động ở khu vực nông thôn để duy trì việc làm, giữ vững thu nhập và ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: NHCSXH huyện Đắk Glong