ĐIỂM GIAO DỊCH XÃ – GIẢI NGÂN KỊP THỜI CÁC NGUỒN VỐN SAU SÁP NHẬP

     Đắk Glong – Trước đây là một huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng), nơi hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đang dần “thay da đổi thịt” từng ngày nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã theo chủ trương tinh gọn bộ máy, câu hỏi lớn đặt ra là: Làm thế nào để người dân – nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa – vẫn tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi một cách nhanh chóng, kịp thời?

     Câu trả lời đến từ mạng lưới Điểm giao dịch xã – Nơi trực tiếp “gánh vác” vai trò kết nối chính sách tín dụng ưu đãi tới từng hộ dân.

Lãnh đạo PGD tuyên truyền chủ trương chính sách tín dụng

     “Không để ai bị bỏ lại phía sau” – Phương châm xuyên suốt trong hoạt động giao dịch của NHCSXH tại địa bàn sau sáp nhập. Xã Tà Đùng – Địa phương mới hình thành sau khi sáp nhập hai xã Đắk R’Măng và Đắk Som. Vào ngày diễn ra phiên giao dịch định kỳ tại trụ sở UBND xã, hàng chục hộ dân, phần lớn là người dân tộc thiểu số đã có mặt từ sớm, tay cầm những giấy tờ cần thiết chờ nhận khoản vay đã được thông báo.

     Phòng giao dịch NHCSXH Đắk Glong, ngay sau khi sáp nhập các xã đã khẩn trương rà soát, điều chỉnh lại địa bàn giao dịch, nhằm đảm bảo không bị gián đoạn tiếp cận vốn chính sách.

     “Điểm giao dịch xã không chỉ là nơi giải ngân vốn, mà còn là nơi giữ gìn niềm tin của người dân với chính sách của Đảng và Nhà nước” Mỗi điểm giao dịch được duy trì lịch hoạt động cố định, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên để thông báo rộng rãi cho người dân biết lịch giao dịch thu nợ, thu lãi.

     “Chúng tôi xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Giữ vững hoạt động của điểm giao dịch xã không chỉ để giải ngân vốn đúng hạn mà còn giữ gìn lòng tin của người dân vào chính sách”  Lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH Đắk Glong chia sẻ.

     Mỗi phiên giao dịch là một cơ hội để chính sách đến gần hơn với cuộc sống, những phiên giao dịch định kỳ tại xã không chỉ đơn thuần là hoạt động nghiệp vụ, mà còn là cầu nối giữa chính sách và cuộc sống, giữa sự hỗ trợ của Nhà nước và niềm tin của người dân nơi vùng sâu, vùng xa.

Bài và ảnh: Ngân hàng CSXH Đắk Glong.

Đánh giá bài viết này