Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đối thoại với nông dân

file:///C:/Users/DELL/Downloads/QD-24.pdf

 

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự có các đồng chí: Điểu Xuân Hùng – UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ; Hà Thị Hạnh – UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Dương Khắc Mai – Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí UVBCH Đảng bộ tỉnh; các đồng chí đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện ủy, thành ủy, UBND các huyện, thành phố và 200 nông dân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác tiêu biểu đại diện cho hơn 60.400 hội viên nông dân.

Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2023 là diễn đàn để đại diện nông dân, hợp tác xã, Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong tỉnh trực tiếp phản ánh những tâm tư, nguyện vọng với UBND, Chủ tịch UBND tỉnh về những thành tựu đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn và kinh tế tập thể; đặc biệt trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc thực hiện tầm nhìn, chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh.

Tại hội nghị, các câu hỏi, ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân cho thấy có rất nhiều nội dung mà người nông dân mong muốn được Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo để có các giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tiêu biểu như sau:

Trên tinh thần giải đáp các câu hỏi đúng trọng tâm, chuyên môn, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị lãnh đạo các sở, ngành có liên quan trả lời trực tiếp, đảm bảo tháo gỡ những vướng mắc cho bà con nông dân.

Theo đó, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường đã trả lời chi tiết câu hỏi của đại biểu Thùy Linh: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diện tích đất đã giải phóng mặt bằng rất hạn chế mà chủ yếu là đất đã giao cho các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng. Do đó, để xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, đề nghị các Hợp tác xã chủ động liên hệ với UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa để lựa chọn các quỹ đất phù hợp với Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất và thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai theo quy định trước khi triển khai thực hiện. Đối với chính sách ưu đãi về đất đai cho các hợp tác xã hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có chính sách riêng, thực hiện theo quy định của Nhà nước cụ thể tại Điều 118 của Luật Đất đai và Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Về quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030 đang được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng do các Hợp tác xã đề xuất phù hợp với Quy hoạch tỉnh thì đề nghị UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa lập thủ tục điều chỉnh, cập nhật vào Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất để tạo điều kiện cho các Hợp tác xã triển khai thực hiện.

Đối với câu hỏi của đại biểu Phan Văn Minh:

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để khuyến khích, hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) nói riêng, tỉnh Đắk Nông đã ban hành các Chương trình, Nghị quyết, Kế hoạch, cụ thể như: Nghị quyết số 05/NQHĐND ngày 02/8/2018 về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 12/NQHĐND ngày 02 tháng 8 năm 2018 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông;… UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, tầm nhìn đến 6 năm 2030”… Một số chính sách có liên quan hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cụ thể như: Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tại Nghị quyết số 06/2019/NQHĐND ngày 19/7/2019 của HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, một số câu hỏi khác được đặt ra xoay quanh các vấn đề về giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; việc quan tâm và tạo điều kiện về cơ chế, nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân các cấp và đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghề cho nông dân và hội viên nông dân; giải pháp, cơ chế chính sách nhằm đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; bảo hiểm trong nông nghiệp…

Trên cơ sở lắng nghe những chia sẻ, những tâm tư nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của đại diện nông dân, hợp tác xã, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp xem xét và chỉ đạo các Sở, ngành, các địa phương tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân, Hợp tác xã yên tâm sản xuất, từ đó phát huy sự sáng tạo của nông dân, Hợp tác xã, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng chí Hồ Văn Mười – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh: “Nông nghiệp, nông thôn là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền của Đắk Nông luôn đồng hành, sát cánh cùng nông dân. Thông qua hội nghị này, tôi mong muốn những nông dân tiêu biểu, đại diện các HTX, doanh nghiệp về địa phương lan tỏa tinh thần cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động để đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển xanh, nâng cao giá trị sản phẩm”.

Đồng chí Chủ tịch khẳng định Hội nghị đối thoại với nhân dân mang tinh thần chia sẻ chân thật, nghĩa tình, hướng tới mục tiêu thấu hiểu những vướng mắc mà bà con nông dân đang gặp phải, từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ, góp phần xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh nhà ngày một phát triển hơn.

N.N

Đánh giá bài viết này