BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 39-CT/TW NGÀY 30/10/2024 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

     Ngày 21/3/2025 Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Glong đã ban hành Kế hoạch số 204-KH/HU về triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.

Nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH đã hỗ trợ tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn

     Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể:

     1, Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW và Kế hoạch 212-KH/TU, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới

     – Tập trung phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 39-CT/TW và Kế hoạch 212-KH/TU, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội và kế hoạch của Huyện ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW và Kế hoạch 212-KH/TU nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

     – Tăng cường công tác thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt những chính sách tín dụng ưu đãi mới thuộc vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, những địa phương có kết quả hoạt động tốt, các mô hình, cá nhân làm ăn kinh tế hiệu quả, để tuyên truyền nhân rộng.

     2, Nâng cao vai trò của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội
     – Xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đơn vị, địa phương và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2026 – 2030, chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình, kế hoạch của cấp mình, ngành mình; tăng cường phối hợp xây dựng, triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, sử dụng vốn vay hiệu quả.

     – Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với hoạt động huy động, quản lý và sử dụng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, không được để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát và phòng ngừa rủi ro có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

     3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị – xã hội huyện tiếp tục thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, giám sát và phản biện xã hội, vận động quần chúng đối với việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện đầy đủ có hiệu quả các công việc được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác; lồng ghép các nội dung ủy thác với các chương trình, dự án và hoạt động thường xuyên của các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội.

     4, Rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội hiện hành, xây dựng cơ chế lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, chính sách an sinh xã hội. Tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác nhằm thay đổi phương thức sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng vốn cho người nghèo. Chú trọng cấp tín dụng chính sách xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, học sinh, sinh viên nghèo và các trường hợp khẩn cấp khác… Thực hiện mức ưu đãi cao nhất dành cho hộ nghèo,vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

     5, Ưu tiên tập trung nguồn lực, đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội

     Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội. Nghiên cứu xây dựng các Đề án hỗ trợ vốn tín dụng chính sách giai đoạn 2025-2030 để tăng cường nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Quan tâm, bố trí kịp thời ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, phấn đấu hằng năm chiếm tối thiểu từ 20-25% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội và đến năm 2030 chiếm tối thiểu 15% tổng nguồn vốn.

     6, Tiếp tục duy trì mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội, làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng công tác kiểm tra giám sát. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hoá trong hoạt động ngân hàng; khuyến khích phát triển các nền tảng số cho tín dụng chính sách, kiểm soát tín dụng đen một cách hiệu quả. Nâng cao hiệu quả quản trị cơ quan, quản trị vốn vay, giảm nợ xấu, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Nâng cao năng lực quản trị chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy, phục vụ người dân.

     Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy, tổ chức đảng từ huyện đến cơ sở, HĐND-UBND huyện, các phòng, ban ngành, các cơ quan, đơn vị huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, Kế hoạch số 212-KH/TU và Kế hoạch số 204-KH/HU. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy khi có yêu cầu, tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị theo đúng quy định.

Bài và ảnh: Ngân hàng CSXH huyện Đắk Glong

 

Đánh giá bài viết này