Học tập kinh nghiệm làm công tác giảm nghèo tại huyện Đắk Glong

Học tập kinh nghiệm làm công tác giảm nghèo tại huyện Đắk Glong

Chiều ngày 10/6/2024, Đoàn công tác của huyện Thạch An (Cao Bằng) do đồng chí Nông Long Giang – Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn đã có chuyến thực tế học tập kinh nghiệm về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Đắk Glong. Cùng đi với đoàn có đồng chí Triệu Thị Thiết- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch An, đồng chí Nông Thế Phúc – Chủ tịch UBND huyện Thạch An, cùng lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn và Chủ tịch UBND các xã trên địa bàn huyện Thạch An.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắk Glong, đồng chí Trần Nam Thuần – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Nguyễn Hữu Tấn – UVBTV Phó Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Trịnh Anh – UVBTV Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan chuyên môn của huyện Đắk Glong.

                Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai huyện Đắk Glong và Thạch An đã thông tin khái quát về tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 của 2 địa phương.

Trao đổi với Đoàn công tác đồng chí Trịnh Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: Đắk Glong là một huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, với 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 58,86% dân số toàn huyện, toàn huyện có 07 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 6/7 xã là xã đặc biệt khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng kế hoạch vốn giao 2022-2024 là 365.032 triệu đồng. Trong đó vốn đầu tư phát triển: 274.919 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 90.113 triệu đồng, đến nay đã giải ngân được 170.316 triệu đồng, đạt 46,66%. Nguồn vốn này được cụ thể hóa thành 07 dự án thành phần gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, giám sát đánh giá Chương trình. Sau 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, huyện Đắk Glong đã và đang triển khai, thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, giúp công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả ấn tượng từ 39,99% năm 2021 giảm xuống còn 25,68% năm 2022 và còn 13,44% năm 2023.

Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần trao đổi một số kinh nghiệm về phát triển các mô hình sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững trên địa bàn huyện
Chủ tịch UBND huyện Thạch An (Cao Bằng) chia sẻ một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện một số dự án tại Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại huyện Thạch An

Với nhiều điểm tương đồng, lãnh đạo 02 huyện đã tập trung trao đổi những kinh nghiệm  cũng như cách thức tháo gỡ khó khăn vướng mắc về công tác đào tạo nghề cho lao động  nông thôn, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, các mô hình sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững…

Đoàn công tác của huyện Thạch An (Cao Bằng) tặng quà lưu niệm cho huyện Đắk Glong

Thăm qua thực tế mô hình trồng dâu nuôi tằm tại thôn 8 xã Quảng Khê

Nằm trong khuôn khổ của chuyến công tác, đoàn đã tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình phát triển kinh tế tại xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong.

Thông qua chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo giúp cho các bộ làm công tác giảm nghèo cả 02 huyện được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm qua đó có hướng đi, cách làm mới phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, để góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

T/h: Lại Tuyến -Trung tâm VH-TT&TT huyện Đắk Glong

Đánh giá bài viết này