HỘI ĐOÀN THỂ – CÁNH TAY NỐI DÀI CỦA NHCSXH GIÚP BÀ CON THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG

     Những năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng kịp thời, đồng thời tiết giảm chi phí, thời gian cho người vay và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

     Năm 2023, gia đình chị H’ Ten– người dân tộc Mạ, ở bon Srê B, xã Đắk Som là hộ cận nghèo. Thông qua Tổ TK&VV tại bon, gia đình chị H’ Ten được vay 70 triệu đồng để đầu tư mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc cà phê. Trong suốt thời gian này gia đình chị H’ Ten đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế. Hiện nay gia đình chị H’ Ten đã thoát khỏi hộ cận nghèo, kinh tế gia đình đã đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học.

     Ông K Bang – Tổ trưởng Tổ TK&VV ở bon Srê B, xã Đắk Som cho biết: “Tổ đang quản lý 1 thành viên, dư nợ gần 2.3 tỷ đồng và không có nợ quá hạn. Có được kết quả đó, trong quản lý vốn, tôi tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban sau buổi giao dịch để nắm chính sách vốn, tham gia các chương trình tập huấn và nắm chắc nghiệp vụ, quy trình cho vay. Hàng tháng, tôi tuyên truyền, vận động các hộ về mục đích sử dụng vốn, theo dõi, nhắc nhở kịp thời các hộ vay về các khoản nợ sắp đến hạn”.

     Toàn xã Đắk Som hiện có 27 Tổ TK&VV. Trong thời gian qua, các Tổ luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Để hoạt động vay vốn được hiệu quả, giải ngân đúng đối tượng, các Tổ TK&VV ở xã Đắk Som thực hiện đúng quy định việc bình xét hộ vay công khai, dân chủ có sự giám sát của chính quyền, Hội cấp xã và nhanh chóng hướng dẫn hộ vay hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để ngân hàng giải ngân, không để đọng vốn; đôn đốc hộ vay trả vốn khi đến hạn.

Hội Nông Dân xã Đắk Som hướng dẫn hộ vay sử dụng thuốc bảo vệ cây cà phê trong bồn chứa.

     Ông Lê Văn Thiết, chủ tịch Hội Nông Dân xã Đắk Som cho biết nhờ đồng vốn của Ngân hàng chính sách xã hội chuyển tải kịp thời đến bà con  trong lúc cây cà phê bị rệp sáp gây hại trên cây cà phê từ giai đoạn kiến thiết cơ bản đến thời kỳ kinh doanh. Rệp sáp xuất hiện và gây hại quanh năm, hại thân, lá, cành, quả…nhờ đồng vốn vay hỗ trợ kịp thời mua bồn đựng thuốc cùng thuốc bảo vệ thực vật kịp thời cứu cây cà phê đang mùa dịch bệnh. Tạo động lực giúp bà con vươn lên, tạo được tính cộng đồng, có sự tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong Tổ. Đồng thời, các Tổ TK&VV còn là kênh dẫn vốn trực tiếp, hiệu quả đến tận cơ sở, giúp NHCSXH chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng và thực hiện một số công việc được NHCSXH ủy nhiệm, như: Họp bình xét cho vay; giám sát việc sử dụng vốn vay; theo dõi, đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn; tuyên truyền, vận động Tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, nhằm tạo thói quen tiết kiệm tích lũy trả dần nợ gốc; thực hiện thu lãi, thu tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng; phối hợp xử lý nợ tồn đọng, nợ rủi ro… hiệu quả.

     Hoạt động của các Tổ TK&VV trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện cho việc truyền tải chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tới các hộ nghèo, đối tượng chính sách khác nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả, giúp họ vươn lên phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Bài và ảnh: NHCSXH huyện Đắk Glong.

Đánh giá bài viết này